Năm 1956, Bác Hồ ra thăm đảo Cát Bà, vào một xóm chài.
… Bác vào nhà một gia đình đánh cá ở đầu xóm. Người lớn đi vắng cả. Chỉ một em gái nhỏ đang nấu cơm. Bác hỏi em nhỏ:
– Bố mẹ cháu đi đâu?
Em bé đứng dậy, lễ phép thưa:
– Bố cháu đi đánh cá, mẹ cháu ra chợ ạ. Em bé ngước nhìn ảnh Bác Hồ treo trên vách, rồi nhìn Bác, lại nhìn tấm ảnh, rồi quay lại nhìn Bác.
Chợt mắt em sáng lên, em chạy lại gần Bác Hồ và reo lên:
– Bác Hồ!
Đồng chí Bí thư Huyện ủy nói:
– Bác Hồ tới thăm gia đình cháu đó.
Bác ôm lấy em nhỏ, chỉ bếp lửa, quay lại nói với một đồng chí đi theo:
– Nồi cơm đang sôi, chú ra ghế giúp cháu kẻo khê.
Bác vừa cho em nhỏ kẹo vừa hỏi:
– Cháu mấy tuổi?
– Thưa Bác, cháu lên tám ạ!
Bác mỉm cười khen:
– Tám tuổi mà đã thổi cơm giúp cha mẹ là ngoan.
Một thanh niên mình trần, da lấm tấm nước biển bước nhanh vào nhà. Thuyền anh vừa đến bến, nghe bà con nói Bác Hồ tới thăm nhà nên anh chạy vội về.
Thấy Bác, anh chạy lại chào:
– Kính Bác ạ!
Rồi anh định với lấy cái áo treo trên vách mặc vào người, Bác biết ý, nắm lấy vai anh ngăn lại.
– Chú cứ đứng đây!
Bác ngắm khổ người vạm vỡ của anh thanh niên.
– Dân đánh cá phải mạnh khỏe như chú hoặc hơn nữa mới được.
Bác hỏi thăm về tình hình đời sống.
Anh thanh niên vui sướng báo cáo với Bác là ngày nào vợ chồng cũng có cơm no, con cái được học hành.
Bác gật đầu, rồi cúi xuống hỏi em bé:
– Cháu học lớp mấy rồi?
– Cháu học lớp hai ạ!
Bác tỏ vẻ hài lòng và bảo đồng chí đi theo lấy cho cháu một tờ báo Việt Nam còn thơm mùi giấy và mực in, Bác đã đem từ Hà Nội ra đảo với ý định làm quà cho bà con ngoài này.
Bác vỗ vai anh thanh niên:
– Thôi chú sửa soạn ăn cơm kẻo đói! Những chuyến sau ra biển cố đánh thật nhiều cá.