LÀM SAO ĐỂ CON KHÔNG SỢ ĐI MẪU GIÁO

Việc đi nhà trẻ trở nên đáng sợ với bé một phần vì bé thiếu bạn. Các mẹ cần có cách để giúp bé tự tin và khuyến khích bé làm quen với bạn mới.
Dưới đây là một số cách tham khảo:

Tạo sự tự tin, tự lập:
Trẻ đã quen với sự bao bọc của bố mẹ nên khi bước vào một môi trường mới thường sẽ cảm thấy choáng ngợp và sợ hãi. Để giúp bé thoát khỏi tâm lý ấy, trước hết bạn cần rèn giũa sự tự lập cho bé ngay từ khi ở nhà, đừng biến bé thành “búp bê trong lồng kính”.
Hãy tôn trọng và để bé tự làm, tự quyết định một số việc nhỏ như xúc ăn, lấy quần áo mặc, đi vệ sinh… Khi bé có thể tự lập được trong nhiều việc, bạn có thể khuyến khích bé biểu diễn trước cả gia đình, rồi trước bạn bè… Hoặc rủ rê, khuyến khích bé chơi với các bạn hàng xóm. Dần dần, bé sẽ tự tin và mạnh dạn hơn. Đây cũng là cách để bạn bước đầu giúp bé phát triển các kỹ năng xã hội.

Giúp bé cảm thấy an toàn:
Môi trường mới còn nhiều lạ lẫm thường khiến trẻ rụt rè và có phần sợ hãi vì vậy, bạn hãy giúp trẻ bình tĩnh và cảm thấy an toàn hơn ví như khi đi gửi trẻ đừng vội để bé ở đó một mình. Bạn hãy cùng bé một lúc cho tới khi bé cảm thấy quen với nơi mới. Bạn cũng trấn an bé bằng cách thủ thỉ với con rằng đây là trường học, con sẽ được học múa, học hát, cùng chơi đồ chơi với cô giáo và các bạn… để bé cảm thấy hứng khởi hơn.

 Hãy làm gương cho trẻ:
Trẻ em luôn nhìn vào bố mẹ chúng để học hỏi và phấn đấu vì thế nếu bạn muốn con mình trở nên hòa đồng hơn thì chính bạn phải thực hiện điều đó trước. Cách làm này bạn có thể thực hiện ở bất kỳ chỗ nào, ví dụ: khi đến công viên, bạn có thể bắt chuyện với các bà mẹ khác, hỏi về con cái họ và đừng quên giới thiệu bé với họ… Thông qua đó, bạn đang chỉ cho trẻ thấy cách làm thế nào để bắt đầu câu chuyện, cách để làm quen với người khác…

Dạy con sự dũng cảm:
Trong những tình huống thử thách, bé sẽ thể hiện bản thân rõ nhất. Vì thế, hãy cho bé “xông pha” nhiều hơn, đi nhiều nơi, trò chuyện và làm quen nhiều người. Ví như, khi đi đường gặp một cụ già đang cần qua đường, hãy nói với bé: “Mẹ con mình cùng giúp cụ già qua đường nhé”. Hay gặp một em bé nhỏ hơn đang khóc, bạn động viên: “Con ra dỗ em đi” hay “Mang cho em đồ chơi để em nín nhé”. Đang tập cho bé đi xe đạp mà bé sợ, bạn có thể nói “Bạn Tôm đi xe đạp rất giỏi. Con cũng đi giỏi như thế nhỉ?”…
Khi bé đã làm được, hãy khen ngợi bé. Khi thấy mình trở thành một “anh hùng”, bé sẽ trở lên mạnh dạn và tự tin.

Khuyến khích trẻ tham gia chơi nhóm:
Đừng để trẻ chơi một mình hãy khuyến khích con chơi cùng những nhóm bạn khác, cả những nhóm nhỏ lẫn nhóm lớn, cả hai đều có tác dụng tích cực như nhau, hãy để con tùy ý lựa chọn theo ý thích của riêng mình.

Khuyến khích con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa:
Bạn đừng ngại cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa vì sợ con sẽ bị ngã, bị vấy bẩn…Bởi lẽ đó là nơi con bạn có cơ hội gặp gỡ những trẻ có “chung chí hướng”, có những nét tính cách tương đồng . Thêm vào đó, hoạt động ngoại khóa thường có những trò chơi ngoài trời vì vậy nó sẽ thu hút với trẻ hơn và qua đó, trẻ sẽ có thể giao lưu, kết bạn với những trẻ khác.

Nhờ cô giáo giúp bé hòa đồng với bạn bè:
Khi đến trường, nếu con bạn khó kết bạn, hãy nhờ cô giáo cho ghép nhóm với những trẻ có tính cách tương tự. Sự giống nhau sẽ giúp bé không có cảm giác bị cô lập, sau đó để bé dần dần tham gia cùng chúng bạn trong học tập và những trò chơi trên lớp.
Trẻ sẽ cảm thấy thu hút và mong muốn cùng làm chung việc với những đứa trẻ khác.

Trẻ con rất nhạy cảm, chúng như 1 tờ giấy trắng và cần bố mẹ định hình cho chúng. Bố mẹ hãy trở thành những người bạn đầu tiên của con, hỏi han trò chuyện và cùng chơi với con. Hãy dạy con những bài học đầu tiên trong đời và dần dần là những bài học giúp con tư duy hay những bài học giúp con cảm thấy thích thú vui vẻ. Đừng áp đặt cho con phải học như thế này, như thế kia. Hãy kiên nhẫn chơi cùng chúng. Học mà chơi, chơi mà học. Như vậy trẻ sẽ thích thú và kích thích não bộ hơn.

Z4495129097811 B6ce61417140ef6235ecfcd99c01ef58 Z4495129289989 D5bfdd63d708cc74f5799644f575d94b Z4495127162368 A6c5f8676e90ad9fe3950ea2ed75a60d Z4495126932303 B277d30585c8a8a632cb0622cbf3daac Z4495129208453 338c74b22158f51ef4f66e393e45cbb7 Z4495217055994 9793d1736d7f0d5b38600848006d25f8 Z4495221429812 420bda24c53c9d61ace3f84bc9844521